Nếu Phi Châu có thể nói là tận cùng trái đất ở nghĩa chậm tiến nhất, nghèo khổ nhất, lại bị bóc lột nhất và bạo lực nhất,
thì Ethiopia là nước có thế nói là tiêu biểu cho ý nghĩa của "tận cùng trái đất" nhất.
Ở chỗ Thủ đô Addis Ababa của Ethiopia còn nghèo khổ hơn cả Calcutta Ấn Độ về xe cộ và đường xá, về nhà cửa, thực phẩm và kỹ thuật...
Hạ tầng cơ sở còn rất đơn sơ và loang lổ khó đi, mất nhiều giờ từ chỗ này đến chỗ kia,
Kiến trúc với nhà tôn vách đất, kỹ thuật với ruộng còn cầy bằng trâu bò; bò thì ốm o gầy còm, lừa được sử dụng để chở nước...
Nếu Chúa Kitô được xức dầu Thánh Thần để đi rao giảng cho người nghèo khổ
thì Ethiopia, với môi trường sống khốn khổ như vậy, quả thực là Đất Hứa Thừa Sai truyền giáo vậy.
Trong thời khoảng gần cả một tuần lễ ngày nào cũng được dẫn đến thăm viếng các làng truyền giáo ở vùng Mazoria miền nam của nước Ethiopia,
khu vực truyền giáo được quý Sơ Dòng Thừa Sai Phan Sinh Đức Maria FMM phục vụ, trong đó có 2 Sơ Việt Nam đã từng ở đây hơn 10 năm,
em mường tượng thấy được khung cảnh truyền giáo từ đầu thập niên 1940 ở Việt Nam bấy giờ còn quê mùa với nhà tranh vách đất và cầy cấy bằng trâu bò,
thời điểm khi Cha Đaminh Trần Đình Thủ được Đấng Quan Phòng Thần Linh tuyển chọn lập một hội dòng đầu tiên cho người Việt Nam trong Giáo Hội ở Việt Nam,
vị sau khi dâng dòng mới kèm theo lời tuyên khấn trọn đời truyền giáo ngày 21/11/1941, để rồi sau đó đã tự nguyện làm trưởng ban truyền giáo của GP Bùi Chu từ 2/2/1952.
Truyền giáo: Cốt Lõi của Thực Thể Đồng Công.
Vì Dòng Đồng Công được hình thành từ lòng yêu quê hương dân nước của Vị Sáng Lập.
Một dân nước, theo sự quan phòng thần linh, bắt đầu trải qua cuộc khổ nạn cộng sản vô thần,
một chủ nghĩa và chế độ đang hình thành và bắt đầu xuất đầu lộ diện vào đầu thập niên 1940,
thời điểm Dòng Đồng Công cũng đồng thời được xuất hiện bởi vị linh mục luôn cầu nguyện cho dân nước Việt Nam thân yêu của ngài.
Và động lực chính yếu và sâu xa khiến ngài lập hội dòng thuần túy Việt Nam cho người Việt Nam đó là để truyền giáo cho dân nước Việt Nam.
Có cái lạ về Vị Sáng Lập Hội Dòng Đồng Công này là ngay từ ban đầu ngài muốn vào một dòng khổ tu, hơn là dòng hoạt động,
ấy thế mà khi lập dòng thì ngài lại muốn hội dòng của ngài phải là một hội dòng truyền giáo hơn là dòng chiêm niệm.
Tuy nhiên không phải vì thế mà thành phần anh em tu sĩ Đồng Công chỉ ưu tiên cho việc truyền giáo,
trái lại, Đấng sáng lập lại nhấn mạnh đến đời sống nội tâm và thánh đức bằng tinh thần tận hiến, hoàn toàn phó thác đời mình cho Chúa qua bề trên.
Bởi thế thừa sai truyền giáo chưa đủ, mới chỉ là một danh xưng, một vai trò đảm nhận và thi hành, mà về tinh thần còn phải là thừa sai bác ái nữa,
như danh xưng của hội dòng được Mẹ Thánh Têrêsa thành lập ở Calcutta Ấn Độ đồng thời với Cha Thủ lập Dòng Đồng Công vào thập niên 1940.
Bằng không, vị thừa sai truyền giáo sẽ luống công vô ích cho đến khi thực sự trở thành thừa sai thương xót như một Chúa Kitô Mục Tử Nhân Lành,
nhờ đó Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc, qua các vị thừa sai truyền giáo của mình từ bắc vô nam, mới có được một "Đồng Công - Mùa Gặt Thương Xót"'.
Truyền giáo: Cốt Lõi của Linh Đạo Đồng Công.
Mục tiêu của Linh Đạo Đồng Công là Làm Thánh Việt Nam, nhưng không phải cho bản thân mình mà là cho phần rỗi của dân nước VN, bằng việc truyền giáo.
Trong 3 tinh thần chính thuộc Linh Đạo Đồng Công đó là Bỏ Mình, Tận Hiến và Yêu Nhau.
Đức Ái Trọn Hảo (Yêu Nhau) chính là bản chất và là tột đỉnh của trạng thái Thánh Thiện, của việc Nên Thánh, Làm Thánh.
Tận Hiến là đường lối chính yếu để Nên Thánh và Làm Thánh, vì sống đời tận hiến chỉnh là sống đức tin tuân phục, như Mẹ Maria.
Tận Hiến cũng bao gồm cả Bỏ Mình, một tinh thần bất khả phân ly với Tận Hiến,
ở chỗ, không phải là con mà là Chúa, không thuộc về con mà là thuộc về Chúa,
"tất cả của con là của Chúa - Totus Tuus" (Thánh Long Mộng Phố - Thành Thật Sùng Kính Mẹ Maria, số 233),
"không phải tôi sống mà là Chúa Kitô sống trong tôi" (Galata 2:20), nhờ đó Chúa Kitô yêu trong tôi,
khiến tôi có thể "yêu nhau như Thày yêu các con" (Gioan 13:13;15:32), nghĩa là sống Đức Ái Trọn Hảo.
Đức Ái Trọn Hảo chính là bản tính của Thiên Chúa là Cha vô cùng nhân hậu thương xót.
Vậy nếu Nên Thánh là Nên Trọn Lành như Cha ở trên trời là Đấng thương xót
thì càng Thánh lại càng thương xót và càng là Thừa Sai thương xót, nhờ đó mới càng dồi dào hoa trái truyền giáo.
Tâm Phương cao tấn tĩnh
Mazoria Ethiopia Phi Châu
Khởi viết vài cảm nghiệm truyền giáo từ ngày Lễ Mẹ Giáo Hội
Thứ Hai ngày 20.5.2024
trong Hành trình Truyền giáo Tận cùng Trái đất 2024 với Nhóm TĐCTT
Biệt chú:
Đổi với em, Lễ Mẹ Giáo Hội cũng là Lễ Mẹ Đồng Công (khác với Lễ Mẹ Đau Thương 15.9).
Thật vậy, đổi với cảm nghiệm Thánh Mẫu của em, một giáo dân hèn mọn thì
Tước hiệu Mẹ Giáo Hội đã chất chứa vai trò Đồng Công của Mẹ Đầy Ơn Phúc,
ở chỗ Mẹ đã là Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể bởi quyền phép Đấng Tối Cao thế nào,
thì Mẹ cũng trở thành Mẹ Giáo Hội cũng bởi Chúa Kitô Vượt Qua như vậy.
Mẹ đã đáp ứng Thiên Chúa để làm Mẹ Con Thiên Chúa Làm Người thế nào thì Mẹ cũng Đồng Công với Con Mẹ để làm Mẹ Giáo Hội,
Mẹ của những ai tin vào Đức Kitô Con Thiên Chúa Thiên Sai Cứu Thế như vậy.
Trong Hành trình Hội Ngô Yêu Thương THĐC 2024 vừa rồi, quý THĐC cùng đồng hành đã từng nghe em thú nhận đại quan như thế này:
Phải công nhận rằng khi em ra khỏi Dòng thì Dòng lại càng trở thành Ấn Tượng Một Đời của em,
đến nỗi Đồng Công đã trở thành nguồn hứng cứ bất ngờ như "gió thổi đâu thì thổi" (Gioan3:8) thúc đẩy em không ngừng viết về Dòng cho tới nay...
.